Cùng với việc coi trọng tục lệ thờ cúng tổ tiên trong tất cả những ngày lễ, tết quan trọng trong năm như tết Nguyên đán, tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), lễ Xá tội vong nhân (rằm tháng 7 âm lịch), tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch), tết Gạo mới (mùng 10 tháng 10 âm lịch),... thể hiện truyền thống tốt đẹp của nhân dân về đạo lý hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, khát vọng có một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, nhân dân Đồng Lương còn thờ tự những danh nhân có công với làng xóm, quê hương, đất nước. Đồng Lương từng có nhiều ngôi đình nổi tiếng, thờ Thành hoàng làng và các bậc tiền nhân có công lao lớn, được triều đình phong kiến sắc phong nhiều lần.
Đình Cả (Đình Đại Bái) thờ Thành Hoàng làng - ngài Lê Hữu Thiền, là một vị nhân thần, có công đánh dẹp giặc thời Hậu Lê. Đình được sắc phong 4 lần vào thời Hậu Lê và triều vua Tây Sơn (năm 1745, 1767, 1783 và 1792). Hiện nay, trong nhân dân còn lưu truyền nhiều sự tích về công đức của ngài. Ngày 23 tháng 12 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 6 (1745), đình được nhận sắc phong đầu tiên. Bản sắc phong có ghi (bản dịch của Viện Hán Nôm): "Sắc ban cho vị Giang thượng Thủy tế Hoàng đầu Thái tử (...) Tam quang trung đức khí thiêng, ngũ nhạc đắp bồi tinh túy, ngăn ngừa hoạn nạn, trừ bỏ tai ương, tính tình kỳ diệu, lý lẽ cảm thông, che chở nhân dân, phù trì đất nước, quả thực có nhiều công lao tương trợ. Niềm vui rộng lớn còn hưởng đến nay”.
Đình Thượng Đẳng thuộc làng Phong Vực cũ là nơi thờ Đức Thủy thần Ngũ Long Quảng Đại. Đình được sắc phong 7 lần vào thế kỷ XVIII dưới thời Hậu Lê và triều Tây Sơn. Ngày 15 tháng 3 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), đình được nhận sắc phong đầu tiên. Lược trích nội dung bản sắc phong đó như sau (bản dịch của Viện Hán Nôm) "Sắc ban cho vị Ngū Long Quảng Đại (...) Tam quang trung đức khí thiêng, ngũ nhạc góp bồi tinh túy. Ngăn hoạn nạn, trừ tai ương, giúp dân sống trên cõi hòa bình dài lâu; ban niềm vui, trao phúc đức, phù thế nước cũng như bàn đá Thái Sơ...". Ngoài ra, đình còn được nhận sắc phong vào các năm 1767, 1783, 1787, 1790 và 1796.
Trước đây, Đồng Lương còn có Đền Quốc Mẫu (Mẫu Dã Thiên), Đình Mỹ Hà, một ngôi chùa và một số miếu thờ như miếu Sấu, miếu Bảy Bệ, miếu Thổ Kỳ... Gắn liền với Đền Quốc Mẫu là lễ hội đền Quốc Mẫu và tục chạy bì ở Đình Đại Bái. Tục truyền rằng: Làng Đồng Lương có 4 giáp, hằng năm, mỗi giáp cử một ông đăng cai. Ngày 30 tháng Chạp, ông đăng cai sửa lễ, lấy một bì ở đình về nhà. Ngày mùng 3 tháng Giêng, hàng giáp cử 4 nam, 4 nữ đến nhà ông đăng cai, giúp ông đăng cai chuẩn bị bánh chay, hoa quả tươi để vào trong bì đặt tại đình Đại Bái. Ngày mùng 7 tháng Giêng, làng tổ chức chạy bì, ông từ và chủ tế vào đình xin âm dương, khi được thì đốt đuốc rồi mở cửa đình làm hiệu. Thấy đuốc sáng thì 4 bì của 4 giáp đã đợi sẵn bên ngoài được 4 nam, 4 nữ khiêng chạy đua từ đình về đền. Bì của giáp nào đến trước thì được ông từ đón sẵn và lấy lễ vật dâng lên sạp thờ, giáp đó thắng cuộc. Trò diễn này mang đậm dấu ấn phong trào đấu tranh thời Hai Bà Trưng, tái hiện việc chọn người tài trí, khỏe mạnh để giết giặc giữ làng, giữ nước thể hiện ý nguyện đoàn kết tạo nên sức mạnh cộng đồng.
Trong cuộc sống sinh hoạt và mối quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân, nhiều luật tục, quy ước, lệ làng đã được tạo ra và duy trì trong suốt chiều dài lịch sử. Nhiều phong tục lành mạnh về hôn nhân, tang lễ... được nhân dân Đồng Lương trân trọng, duy trì. Hiện nay, với tinh thần đổi mới, dân chủ, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa cổ truyền dân tộc, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tháng 9/1999, bản Quy ước nếp sống văn hóa của Đồng Lương được thực hiện thống nhất trong xã. Năm 2007, trên cơ sở lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, bản Quy ước này đã được bổ sung, sửa đổi, quy định khá toàn diện những nội dung quan trọng trong nếp sống của nhân dân trong xã về việc cưới, việc tang, mừng thọ; về kinh tế, trật tự, an ninh, an toàn xã hội... Quy ước của xã vừa phù hợp với những quy định của Pháp luật hiện hành, vừa thể hiện nét riêng trong những tập tục của nhân dân Đồng Lương.
Trong mỗi hiện vật, mỗi di tích, từng tên đất, tên làng, tên người Đồng Lương đều in đậm văn hóa truyền thống quê hương.
Năm 1962, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 2 chiếc thạp đồng quý, được trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh xảo ở gò Mọc (Đồng Lương) có niên đại cách nay hơn 2.000 năm (thuộc nền văn hóa Đông Sơn), tương đương thời đại Hùng Vương (gọi là thạp đồng Vạn Thắng). Hiện vật này đã minh chứng cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc trên vùng đất Đồng Lương, một phần của vùng đất Tổ thiêng liêng.
Nhắc đến Đồng Lương, nhiều người biết đến rừng Hố Trò - một địa danh nổi tiếng với nhiều sự kiện lịch sử. Theo các nhà sử học, cách nay hàng nghìn năm, nơi đây đã có một bộ phận dân cư sinh sống. Đến thế kỷ XV, giặc Minh vào xâm lược nước ta, khi đi qua vùng này chúng đã tàn sát nhân dân, hủy hoại xóm làng. Năm 1889, nghĩa quân Cần Vương do Đề Kiều lãnh đạo đã xây dựng căn cứ chống Pháp tại rừng Hố Trò, trong 4 năm đã lập nên nhiều chiến công, gây cho giặc nhiều thiệt hại. Năm 1949, thực dân Pháp chiếm đóng Đồng Lương, nhân dân và chính quyền địa phương đã sơ tán vào rừng Hố Trò, tổ chức lực lượng du kích đánh địch. Cũng nơi đây, năm 1972, quân dân Đồng Lương đã bắt sống hai giặc lái Mỹ.
Đặc biệt, Đồng Lương nổi tiếng với di tích Gò Nhà Dầm - trung tâm của chiến khu Vạn Thắng. Gò Nhà Dầm là nơi xây dựng nhà cửa, kho tàng của đồn điền Nguyễn Bá Lương. Chủ đồn điền Nguyễn Bá Lương giao cho ông Nguyễn Phiên quản lý hàng chục hec-ta ruộng đất, nhiều thóc gạo và hàng trăm con bò. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, ông Nguyễn Phiên đã chiêu tập hàng trăm thanh niên của Đồng Lương và các xã xung quanh tổ chức luyện tập quân sự, tham gia lực lượng Việt Minh giành chính quyền ở tỉnh Phú Thọ vào tháng Tám năm 1945.
Nói đến truyền thống văn hóa Đồng Lương không thể không nói đến tinh thần chuộng văn học và sự phát triển về văn học khá phong phú ở nơi đây). Từ khi chữ Hán, chữ Nôm còn thịnh hành đến khi chữ Quốc ngữ ra đời, đất Đồng Lương đã có nhiều nhà nho, cụ đồ sáng tác các tác phẩm văn thơ ngợi ca cảnh đẹp thiên nhiên, non nước, cuộc sống, sinh hoạt, lao động của nhân dân và các sự kiện lịch sử diễn ra trên quê hương mình. Nhiều câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm hiện nay còn được gìn giữ trong làng xã và các gia đình ở Đồng Lương, nội dung ngợi ca công đức, oai linh của các vị tiền nhân đối với dân với nước và thể hiện tư tưởng, quan điểm sống nhân văn, nhân ái của người xưa. Bài thơ vịnh "Phong cảnh Đồng Lương" của cụ đồ Cát cách đây gần hai thế kỷ vẫn được nhân dân yêu mến vì nét tao nhã của lối văn chương cổ.
Người Đồng Lương cũng hay nhắc đến bài thơ "Cảnh đồng trong" chứa chan tình cảm yêu mến, tự hào về quê hương của cụ đồ Dự.
Bên cạnh đó, Đồng Lương có các tác phẩm văn học dân gian phong phú với đủ các nhóm thể loại thường gặp trong văn học dân gian Việt Nam. Có khá nhiều thần thoại, thần tích vừa thấm đẫm chất huyền thoại vừa gần gũi với truyền thống lịch sử, văn hóa của Đồng Lương như truyện "Triệt long mạch", "Cúng giấy bút", "Thánh mẫu đánh chết quan Tây", "Chuyện ông Đâu", "Chuyện ông Dần"... Nhiều bài ca dao cổ xưa đến nay vẫn được lưu truyền, đó là những câu ca thể hiện tình cảm của người con gái thuở xưa lấy chồng về Đồng Lương, tuy nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, yêu đời.
Quê hương Đồng Lương rất tự hào vì đã sinh ra nhà thơ Bút Tre. Bút Tre nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ năm 1963 với hai tập thơ: "Rừng cọ đồi chè" và "Phú Thọ quê ta". Ông sáng tác rất nhiều, thường viết thơ tặng hội nghị, bạn bè, đồng chí. Thơ ông sôi nổi, hóm hỉnh đến hài hước; rất đỗi dân dã mà không kém phần thâm thúy, sâu sắc, tinh tế. Nét độc đáo, đặc sắc nhất trong thơ Bút Tre là cái hóm hỉnh rất bất ngờ, tạo nên tiếng cười sảng khoái cho bạn đọc.
Có thể nói, Đồng Lương là một vùng đất có bề dày văn hóa, mang đậm bản sắc vùng trung du đất Tổ Hùng Vương. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã làm nên truyền thống quê hương bao đời nay. Đó là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy tiến trình cách mạng ở Đồng Lương, góp phần vào quá trình đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ quê hương.