Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương
Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40), Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Thái thú nhà Hán là Tô Định, giành lại đất nước. Tham gia cuộc khởi nghĩa này có 70 tướng, phần lớn là nữ giới cùng hàng vạn dân binh - đạo quân chủ lực làm nên thắng lợi.
Tại cửa sông Bứa thuộc khu vực Đồng Lương và các làng xã xung quanh có các vị nữ tướng là Quỳnh Nương, Quế Nương cùng hàng nghìn nghĩa binh đứng dưới lá cờ khởi nghĩa của Hai Bà. Để ghi nhớ công ơn của những người đặt nền móng cho độc lập dân tộc, các triều đại phong kiến nước ta đã khuyến khích nhân dân lập đền thờ, hàng năm tổ chức tế lễ, diễn xướng, hèm tục, thường lấy ngày mùng 6 tháng Giêng (ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa) làm ngày cầu chính. Đồng Lương cũng cầu vào ngày này với hèm chạy bì và nhiều sinh hoạt văn hóa khác.
Đầu năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy ba vạn quân Mông Cổ từ Vân Nam xuôi theo sông Hồng tiến vào xâm lược nước ta. Chủ trại Quy Hóa (thuộc lộ Tam Giang, châu Thao Giang) là Hà Khuất vội cấp báo về triều đình nhà Trần. Thế giặc mạnh, vua Trần lo lắng cho vận mệnh đất nước. Thái sư Trần Thủ Độ và các tướng lĩnh nhà Trần kiên quyết không đội trời chung với giặc, chiến đấu quyết liệt trên nhiều trận địa. Quân giặc đánh lâu không thắng nổi, lại thêm lương thảo khó khăn, thủy thổ không hợp nên sinh đau ốm, bệnh tật, tinh thần chán nản. Cuối mùa xuân năm 1258, quân ta phản công, giặc tháo chạy về Bắc theo đường sông Hồng. Tới vùng Quy Hóa, bị dân binh của Hà Khuất, Hà Bổng phục kích, chặn đánh khắp vùng, giặc thua tan tác phải lẩn đường chạy trốn. Trong chiến công phục kích, truy quét quân Mông Cổ xâm lược tại Quy Hóa có sự tham gia đông đảo, hiệu quả của lực lượng dân binh Đồng Lương.
Năm 1407, nhà Hồ để mất nước ta về tay nhà Minh. Năm 1416, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn - Thanh Hóa. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, quân ta dần giành được thế chủ động, dồn địch vào thế bị bao vây, chia cắt.
Tháng 10 năm 1426, quân Minh cử hai đạo đại binh sang cứu viện do Vương Thông và Mộc Thạnh chỉ huy. Đại quân do Vương Thông chỉ huy có 3 vạn tên không kể phu vận tải tiến vào nước ta theo đường Lạng Sơn. Đại quân do Mộc Thạnh chỉ huy vào nước ta theo đường Vân Nam xuôi theo sông Hồng, đến Đồng Lương thì gặp đội quân của tướng Lý Triệu và dân binh mai phục ở chân núi Đọi Đèn tập kích. Đạo quân giặc do Vương An Lão chỉ huy bị thiệt hại nặng đã điên cuồng tàn phá nhà cửa của nhân dân trong vùng (truyền thuyết "Ngô thì phá tán"). Đạo quân này trên đường về xuôi bị quân ta tập kích liên tục, gần đến thành Tam Giang (Sơn Vi) lại thua một trận lớn ở cầu Ròng Rọc, bị diệt trên một nghìn tên. Chúng phải co cụm lại trong thành Tam Giang, bỏ dở kế hoạch về giải vây Đông Quan. Trong các trận tập kích giặc dọc bờ sông Hồng đến thành Tam Giang đều có sự tham gia của quân dân Đồng Lương.
Truyền thống đấu tranh giai cấp, chống cường hào áp bức, bóc lột
Trải suốt chiều dài hàng nghìn năm sinh cơ lập nghiệp, gây dựng thôn làng, hòa trong dòng chảy và những biến cố thăng trầm chung của lịch sử dân tộc, nhân dân Đồng Lương không chỉ anh dũng tham gia đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn tích cực đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội.
Thời kỳ phong kiến tự chủ, khi các triều đại phong kiến còn hưng thịnh, tích cực chăm lo cho quyền lợi của muôn dân trăm họ thì nhân dân Đồng Lương một lòng trung quân ái quốc, xây dựng vương triều, bảo vệ biên cương. Tuy nhiên, trong nhiều giai đoạn, khi triều đình phong kiến khủng hoảng, thối nát, bạc nhược, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, cuộc sống trăm họ cơ cực thì nhân dân Đồng Lương lại nêu cao truyền thống đấu tranh giai cấp, chống ác bá, cường hào.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, áp đặt chế độ cai trị thực dân nửa phong kiến, nhân dân cả nước chịu cảnh một cổ hai tròng, lầm than, khổ cực, tinh thần bền bỉ đấu tranh chống thực dân, phong kiến của nhân dân Đồng Lương lại trỗi dậy.
Như vậy, trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Đồng Lương đã không ngừng đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội chống lại những bất công, áp bức của giai cấp thống trị, trong đó có một số cuộc đấu tranh nổi bật.
Theo tài liệu cổ lưu lại, năm 1927, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ nhất (đời vua Lê Duy Phường), chúa Trịnh Cương - ông ngoại của nhà vua qua đời. Trịnh Giang lên nối ngôi chúa, chiếm đoạt quyền hành, thi hành nhiều chính sách khiến triều đình lục đục, chính sự hỗn loạn, đời sống nhân dân ở mọi miền đều lâm vào cảnh khốn khổ. Làng Đồng Lương khi đó có 18 thôn xóm, mỗi thôn có một người tự xưng là quận công, mộ quân hương dũng khởi nghĩa, hợp binh chống lại triều đình. Nghĩa quân chiếm cứ cả một vùng rộng lớn từ bờ sông Đà phía Tây đến bờ sông Hồng phía Bắc. Triều đình gọi đó là loạn thập bát tướng. Chúa Trịnh nhiều lần cử binh đến đánh dẹp mà không nổi. Về sau, chúa Trịnh sai Nguyễn Hữu Liêu đi dẹp loạn. Do lực lượng hùng hậu, quân triều đình đã đánh tan quân của 18 quận công, triệt hạ hầu như toàn bộ làng Đông Lương, khiến nhiều người dân vô tội chết oan. Một thời gian sau, triều đình cử cụ Phùng Đăng Cảnh lên chiêu an, lập lại làng Đồng Lương. Cuộc nổi dậy tuy thất bại, nhưng âm vang về tinh thần bất khuất chống áp bức, bất công của nhân dân Đồng Lương vẫn còn lưu truyền.
Đầu thế kỷ XIX, do chính sách cai trị của vua Minh Mạng nhà Nguyễn, Nguyễn Văn Thạch nổi dậy chống lại triều đình ở vùng đồng bằng, sau đó rút lên vùng rừng núi. Nghĩa quân đóng căn cứ cố thủ tại Đồng Lương. Ngoài luyện tập binh mã, nghĩa quân còn gần gũi với nhân dân, giúp dân trồng cấy. Một số người dân Đồng Lương tham gia nghĩa quân, có người giỏi được chủ tướng tin cẩn như ông Điều Văn Dần. Về sau, triều đình cho quân bủa vây, truy sát, cuộc nổi dậy bị dẹp tan. Sau khi nghĩa quân Nguyễn Văn Thạch tan rã, ông Điêu Văn Dần ở lại làng làm ăn, sinh sống.
Một lần, có bọn cướp từ Tam Nông lên cướp tài sản, phá nhà cửa, bắt bớ, chém giết dân lành. Vì toán cướp dông đến hàng trăm tên, rất hung ác nên nhân dân hoảng loạn bỏ chạy hết. Ông Dần một mình ra đánh trả toán cướp Sau gần một ngày thì ông giết chết tên cầm đầu, khiến những tên còn lại phải tháo chạy. Hào mục trong làng họp bàn, thưởng công lớn, phong cho ông chức Quản tráng, cầm đầu hương binh bảo vệ hàng tổng.
Một lần khác lại có toán cướp hơn trăm tên từ Quán Chùa kéo ra Đồng Lương cướp của. Hương binh trong làng đều đi làm đồng xa không về kịp. Ông Dần lại một mình đối địch với bọn cướp. Ông giết được vài tên thì toán cướp bỏ chạy. Kể từ đó, tiếng tăm ông lẫy lừng, bọn cướp không dám bén mảng, nhân dân được yên ổn làm ăn. Ông Dần được dân làng nhớ ơn.
Truyền thống đấu tranh của nhân dân Đồng Lương thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết không chịu làm nô lệ cho giặc ngoại xâm, không chịu khuất phục trước áp bức, bất công xã hội. Truyền thống đó góp phần xây đắp, làm đẹp thêm truyền thống anh hùng của nhân dân vùng đất Tổ. Đó là nền tảng tinh thần quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Đồng Lương hôm nay vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.